Đa số các chính trị gia trên thế giới đều tốt nghiệp từ trường kinh tế hoặc trường luật. Chúng ta không mong đợi họ có thể nắm bắt được bản chất của các mô hình toán học mô tả bệnh truyền nhiễm, chứ đừng nói đến việc giải thích nó một cách ngắn gọn, chính xác và dễ hiểu.
Nhưng thủ tướng Đức Angela Merkel, là một ngoại lệ. Với bằng tiến sĩ vật lý và thủ khoa môn toán thời còn học đại học, bà có thể làm được cả hai việc trên. Và sự thành công của nước Đức trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 rõ ràng là một minh chứng cho thấy, tại sao các lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ khoa học khi đối phó với mối đe dọa về an ninh sức khoẻ.
Mặc dù có số ca nhiễm COVID-19 thuộc top đầu Châu Âu, Đức vẫn đang tiếp tục giữ được tỷ lệ bệnh nhân tử vong thuộc nhóm thấp nhất. Đó là bởi các nhà lãnh đạo của họ đã áp dụng khoa học của mô hình dịch bệnh, họ giám sát những con số hết sức chặt chẽ, từng một phần mười đơn vị một.
Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích về hệ số Rt và chính sách nới lỏng giãn cách xã hội của Đức.
Phát biểu tại một hội nghị ngày hôm qua, bà Merkel đã vạch ra kế hoạch giúp nước Đức có thể từ từ nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội sau khi đạt được thành công mà bà khiêm tốn gọi là một "thành công mỏng manh mang tính tạm thời " trong cuộc chiến chống COVID-19.
Dỡ bỏ cách ly xã hội sẽ phải được thực hiện dần dần từng bước một, bởi một thực tế được dự đoán trước, nó sẽ làm số ca nhiễm mới tăng trở lại, bắt đầu bằng việc nước Đức sẽ cho phép một số cửa hàng mở lại vào ngày 4 tháng 5 tới.
Chính phủ của bà Merkel sau đó sẽ có một cuộc họp vào cuối tháng để thảo luận về những gì họ sẽ làm vào tháng Năm.
Khi nhiều quốc gia bắt đầu suy nghĩ đến việc tái khởi động nền kinh tế sau nhiều tuần ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19, các nhà dịch tễ học đề xuất với chính phủ rằng họ nên thực hiện một chiến lược " on and off" đa chu kỳ:
Nới lỏng cách ly xã hội, theo dõi phản ứng của dịch bệnh, và thắt chặt lại nó một lần nữa khi cần thiết. Việc nới lỏng và thắt chặt cách ly xã hội sẽ được thực hiện luân phiên, liên tục và tinh chỉnh theo từng thời điểm cụ thể, với từng thời gian và phạm vi áp dụng tối ưu hoá. Hồng Kông và Singapore là hai quốc gia đã và đang thử nghiệm chiến lược này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có bằng tiến sĩ vật lý, và bà ấy biết khoa học hoạt động như thế nào.
Nằm ở cốt lõi của chiến lược này là một giá trị gọi là Rt, hay hệ số lây truyền trong thời gian thực. Rt cho chúng ta biết tốc độ dịch bệnh lan truyền tại một thời điểm nhất định, t. Trong một vùng dân số cụ thể, tại một thời điểm cụ thể, một dịch thuật người nhiễm COVID-19 có thể lây cho bao nhiêu người khác?
Đây là khái niệm mà bà Merkel đã giải thích rất tốt ngày hôm qua. Bà ấy lưu ý rằng Rt ở Đức hiện đang ở xung quang giá trị 1, có nghĩa là trung bình một người bị nhiễm virus này chỉ lây nhiễm cho 1 người khác.
Đó là một ngưỡng quan trọng: Nếu Rt giảm xuống dưới 1, dịch bệnh sẽ dần dần biến mất bởi một người nhiễm virus trung bình sẽ không lây nổi sang một người khác. Nếu Rt còn lớn hơn 1, dịch sẽ còn phát triển, có thể theo cấp số nhân.
Tại Hong Kong, chính quyền đặc khu đã công khai con số Rt trên bảng theo dõi dịch bệnh. Và vì Rt là giá trị trong thời gian thực, nó phải được cập nhật thường xuyên. Giá trị Rt mới nhất của dịch COVID-19 ở Hong Kong đang là hơn 0,3.
Trong bối cảnh tại Đức, thủ tướng Merkel đặt ra một số kịch bản có thể xảy ra với Rt. Cụ thể, nếu Rt những ngày tới ở Đức tăng lên 1.1.
Trong một động thái hiếm hoi vào tháng trước, Thủ tướng Angela Merkel đã lên sóng truyền hình quốc gia kêu gọi người dân Đức tuân thủ lệnh hạn chế đi lại của chính phủ. Đây là lần đầu tiên bà có bài phát biểu theo hình thức này, kể từ khi nhậm chức vào năm 2005.
" Nếu chúng ta tiến đến điểm mà mỗi người [nhiễm COVID-19] sẽ lây nhiễm cho 1,1 người, thì đến tháng 10 chúng ta sẽ đạt đến mức giới hạn năng lực của hệ thống y tế, ước lượng trên số lượng giường ICU ", bà nói.
Và nếu Rt cao hơn một chút nữa, lên đến 1,2, " thì tất cả mọi người đang lây nhiễm hơn 20%" .
Nhưng 20% được cho là một con số trừu tượng khiến người dân bình thường khó có thể nắm bắt được. Bà Merkel dường như cũng nhận ra điều này, và bà giải thích tỷ lệ phần trăm đó một cách cụ thể hơn:
" Cứ mỗi 5 người nhiễm bệnh, một người trong số họ sẽ lây nhiễm hai người khác và 4 người còn lại mỗi người lây nhiễm thêm 1 người khác" . Với tốc độ này, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức sẽ đạt đến ngưỡng giới hạn vào tháng Bảy. Ở mức Rt là 1,3, mốc thời gian sẽ chỉ còn là tháng Sáu.
"Nên bạn thấy đấy, biên độ đó nhỏ đến chừng nào".
Theo bảng giám sát đại dịch của Đại học Johns Hopkins, Đức hiện có 134.753 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận, không quá xa so với Ý là 165.155 trường hợp. Mặc dù là quốc gia phát hiện COVID-19 sớm hơn, nhưng số ca tử vong tại Đức hiện chỉ mới chỉ là 3.804 người, không bằng một phần so với Ý là 21.645 người.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Đức ngăn chặn đại dịch, không để nó vượt khỏi tầm kiểm soát là theo dõi sát sao các con số và mô hình dịch bệnh. Chính từ các con số này mà chính phủ của bà Markel có thể hoạch định các chính sách cần thiết để bảo vệ người dân và ra các quyết định kịp thời, đúng thời điểm.
Và đó là sức mạnh của những quyết sách khi kết hợp cùng với khoa học.
Tham khảo Qz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét